+ Trả Lời Ðề Tài
Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: Tình Chúa qua thơ Hàn Mặc Tử.

  1. #1
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết

    Tình Chúa qua thơ Hàn Mặc Tử.

    Hàn Mặc Tử - con người của thơ và nhạc,Tiên Sinh có một cái gì đó khiến tôi rất đồng cảm. Tôi với anh, hai con người của hai thời kỳ, hai thế hệ khác nhau, quá xa trong thời gian, quá gần trong không gian và lịch sử. Thời còn PTTH tôi chỉ đọc thơ anh qua “Đây thôn Vỹ dạ” và một số bài : Say trăng, Mùa xuân chín…Lớn lên, đọc qua các tuyển tập về anh, tôi càng thích anh hơn, say đắm anh hơn. Tôi trở nên ghiền gẫm thơ anh, đọc và cứ muốn đọc đi đọc lại nhiều lần; càng đọc, thơ anh càng ngấm sâu trong tôi.


    Tôi đồng cảm với anh vì trong anh có tình yêu : Khởi đầu là tình yêu thiên nhiên vạn vật, kế đến là tình yêu con người, sau cùng là tình yêu dành cho Thiên Chúa. Anh khôn quá vì cuối đời anh chỉ có thế. Anh cảm nhận được Thiên Chúa là Cha đã tạo dựng nên tất cả để rồi tất cả phải quy phục Ngài, phải mang ơn Ngài. Các loài thụ tạo, trong đó có anh – đều mang ơn Ngài tha thiết :

    “Sách vô cùng, sáng láng cả mọi miền
    Không u ám như cõi lòng ma quỉ
    Vì có Đấng Hằng Sống, Hằng Ngự Trị
    Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh.”

    ( Ngoài vũ trụ )

    Cho dù phận người có thay đổi, đổi thay, có khổ đau, nhưng tình yêu thì thủy chung, trung thành, không suy suyễn. Trái tim yêu ngày càng mãnh liệt, diết da :

    “Em đã nghe qua, em đã hay
    Tình anh sao phải chứng mê say
    Anh điên anh nói như người dại,
    Van lạy không gian xóa những ngày.”

    ( Lưu luyến )

    Tôi đồng cảm với anh vì trong tôi cũng có tình yêu khởi đầu và cuối cùng giống anh vậy. Tôi cưu mang trong lòng tình Chúa, cũng giống như anh từng thổn thức trăn trở với những vần thơ vắt kiệt thân mình trong những tháng ngày đau bệnh :

    “Cho ta nhận lấy không đền đáp
    Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời
    Bằng tiếng kêu gào say chếnh choáng,
    Bằng tim, bằng phổi nóng như sôi .”

    ( Sầu vạn cổ )

    Hoặc :

    “Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi
    Bao giờ tôi hết được yêu vì
    Bao giờ mặt nhật tan thành máu
    Và khối lòng tôi cứng tợ si ?”

    ( Những giọt lệ )

    Thơ ngự trị trong anh như tình Chúa ngự trong anh, thấm sâu vào máu thịt. Và thơ như là một “cái nghiệp”, anh không thể nào dứt bỏ được, không thể nào lìa xa được. Thơ đeo đẳng anh và anh cũng đeo đẳng thơ, thơ như người bạn tình tri kỷ đi suốt cuộc đời anh, chia sẻ với anh khi vui, an ủi anh khi buồn, để rồi anh uốn mình theo thơ, anh rung động vì thơ, anh no say vì thơ, anh sống chết vì thơ. Nhờ thế anh viết như một nguồn chảy láng lai, phảng phất hương thơm dịu dàng đi từ vẻ đẹp của thiên nhiên, hấp thụ bởi thiên nhiên :

    “Thơ em cũng giống lòng em vậy,
    Là nghĩa thơm tho tựa ánh trăng
    Mềm mại như lời tơ liễu rũ,
    Âm thầm trong áng gió băn khoăn.”

    ( Lưu luyến )

    Anh yêu đương vì Chúa, anh tự tình với Chúa, anh say đắm miệt mài với Ngài, để Ngài nâng hồn thơ anh lên. Thơ và Chúa – cả hai đối tượng này nặng kí, luôn sát kề anh, hòa quyện vào anh, đan bện vào nhau, quấn lấy cả con người anh, thân phận anh.
    Tôi thật sự yêu anh vì anh yêu Chúa. Trong thơ anh toát lên vẻ đẹp tôn giáo mượt mà, sâu thẳm : Anh yêu Chúa với tất cả con người anh – một tác phẩm Chúa đã tạo dựng nên để thông phần đau khổ với Ngài, nên anh không buồn cho số phận mà anh xem đau khổ là một cái thú : “thú đau thương” – anh chấp nhận số phận của mình, nhờ thế mà thơ anh rất đẹp, chắc lọc cái tinh túy đau thương của con người anh :

    “Anh cắn lời thơ để máu trào,
    Lời thơ ngậm cứng không rên rỉ
    Mà máu tim anh vọt láng lai
    Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt,
    Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi.”

    ( Lưu luyến )

    “Gío rít từng cao trăng ngã ngữa,
    Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
    Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,
    Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.”

    ( Say trăng )

    Thật ra, con người ta không dễ gì chấp nhận được đau khổ. Người ta rất dễ tuyệt vọng nếu sống không có niềm tin. Nhưng Hàn Mặc Tử, anh nhìn thấy được đau khổ là công đức, là phương thế, là điều anh cần nhận lấy, chịu đựng và biến đau khổ thành cứu cánh, không những có giá trị đời sau mà cả đời này nữa : Đời này anh để lại một thông điệp yêu thương và vác Thập giá theo Chúa đến cùng. Tin vào tình yêu bao dung độ lượng của Thiên Chúa .Sự sống là linh hồn mà Hàn Mặc Tử cảm nghiệm, anh thấy rất cần cho một thân xác, nếu thân xác không có linh hồn thì thân xác không có giá trị gì cả. Thiên Chúa tạo dựng nên con người bằng bụi đất ( hình ảnh thô sơ ban đầu Kinh Thánh Cựu ước mô tả ) Ngài thổi hơi vào miệng để ban sự sống cho con người, còn Hàn Mặc Tử thì khạc hơi ra khỏi miệng :

    “Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng,
    Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
    Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng
    Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương .”

    ( Hồn lìa khỏi xác )
    Một lối tưởng tượng hơi quá đáng như thế có mâu thuẫn chăng ? Thưa không, vì chính anh cảm nhận mối liên kết ấy – mối liên kết giữa hồn và xác. Một kiếp người rồi ai cũng trở về bụi đất, nhưng không ai biết mình sẽ ra đi vào lúc nào. Vật chất sẽ tha hóa nếu vật chất không gắn kết với con người và nếu con người không được Thiên Chúa cứu rỗi. Chính vì thế mà anh cảm hóa để nâng lên cao hơn trong sự vinh thăng thoát tục, anh tin vào trời mới đất mới làm thay đổi thế giới thực tại :

    “Mai này thiên hạ mới tinh khôi,
    Gío căng hơi và nhạc lên trời
    Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
    Hoa lá hồ nghi sự lạ đời .”

    ( Xuân đầu tiên )

    Nói tới trời mới đất mới, ai cũng thấy như có một chút hơi hám của Khải Huyền. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử có niềm tin vào ngày quang lâm, ngày của sự phá hủy tổng thể nhưng đồng thời cũng là ngày của sự tái hợp cho từng cá thể để nguyên vẹn hình hài :

    “Cả vũ trụ theo ta ngày phán xét,
    Là khủng khiếp : cả Trời Đất tiêu diệt.”

    ( Ngoài vũ trụ )

    Và :

    “Ngày tận thế là ngày tán loạn
    Xác của hồn, hồn của xác y nguyên.”

    ( Hồn lìa khỏi xác )

    Thêm vào đó là một giấc mơ đẹp tựa thiên đường mà anh phát thảo ra trong trí tưởng tượng như một thị kiến :

    “Ôi cao sang khôn ví, trọng ai bì
    Trên nước cả có vô vàn châu báu
    Trí rất ngợp, bởi chưng xuân hồn hậu
    Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai.”

    ( Ra đời )
    Câu cuối cùng của khổ thơ trên ứng hợp với Tin Mừng của Gioan: câu3, chương 1. Anh nhìn nhận mọi sự đều do Chúa, do Ngôi Lời, không có Chúa thì vạn vật sẽ không được tạo thành.

    Tình Chúa trong thơ Hàn Mặc Tử quả là thú vị. Tình Chúa trong con – trong con người thơ nói chung và trong tôi nói riêng. Trong con người thơ : vì chính con người thơ yêu Chúa, và trong tôi : vì chính tôi cũng yêu Ngài. Tôi yêu Chúa và yêu chính cả con người thơ của Hàn Mặc Tử. Chúa chắp cánh ước mơ cho hồn thơ bay bỗng diệu kỳ.



    ( Còn tiếp )

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 17-01-2014 lúc 04:58 PM

  2. 11 thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    An Vi (10-01-2014),Duy Nguyen (08-10-2014),Honesty (12-01-2014),Lan Anh (13-01-2014),M.Goretti Ngan (11-01-2014),Mai Cồ (20-01-2014),Pere Joseph (24-01-2014),TerexaThuyDuong (11-01-2014),Thánh Thư (11-01-2014),Trung TTN (11-01-2014)

  3. #2
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết
    Tình Chúa qua thơ Hàn Mặc Tử ( tiếp theo )
    __________________________________________________ ____________________________________


    Hàn Mặc Tử cũng là một con người Huế, con người của “mảnh đất Thần Kinh”. Anh có nhiều bài thơ và câu thơ nói về Huế mang vẻ đẹp thần thái của Kinh đô tráng lệ, mang âm hưởng tha thướt mượt mà của thiên nhiên cây cảnh với lối nói đầy chất giọng địa phương của Huế :

    “Sao anh không về chơi thôn Vỹ
    Nhìn mấy hàng cau nắng mới lên
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

    ( Đây thôn Vỹ dạ )

    “Thu héo nấc thành những tiếng khô
    Một vì sao lạ mọc phương mô ?
    Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ,
    Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ ?”

    ( Cuối thu )

    Và những câu thơ rất quen, có ngữ điệu mà không vần, nhưng hầu như ai cũng biết đến :

    “Họ đã xa rồi không níu lại,
    Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
    Người đi một nữa hồn tôi mất,
    Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ .”

    ( Những giọt lệ )

    Đẹp hơn cả là hồn thơ anh, hồn thơ sâu lắng, dựa vào thiên nhiên để chúc tụng và ngợi ca thiên nhiên, thiên nhiên quyện hòa trong thơ anh làm tăng thêm vẻ diễm kiều :

    “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
    Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
    Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
    Như đón từ xa một ý thơ .”

    ( Đà lạt trăng mờ )

    Những tự vấn của lòng anh luôn là tự vấn của nhân loại, của thân phận con người nhỏ bé đứng trước vũ trụ bao la :

    “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu,
    Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu ?”

    ( Những giọt lệ )

    Tuy nhiên, tự vấn ấy không làm anh vô vọng mà lại chấp cánh ước mơ cho anh. Trên đời này có ai yêu trăng bằng Hàn Mặc Tử ? “Chơi giữa mùa trăng” nhưng Hàn Mặc Tử muốn “bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm”, là biết ước mơ Hàn Mặc Tử thế nào rồi. Và hình như lúc nào cũng có trăng, anh viết gì cũng đề cập đến trăng, viết về Chúa cũng có trăng, viết về Mẹ cũng có trăng – ánh trăng luôn đồng hành với anh qua những trang viết, qua những chặng đường thơ đầy kỉ niệm.

    Chúa Giêsu vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu. Lập luận một cách đơn giản dễ hiểu ta cũng nói được : Đức Maria là mẹ Thiên Chúa. Điều này không mâu thuẫn : vì khi chúc tụng một người con tuyệt vời, chẳng lẽ nào không chúc tụng một người mẹ sinh ra người con đó. Hàn Mặc Tử hiểu vấn đề này rất rõ nên anh đã hết lòng chúc tụng Mẹ Maria. Nỗi bậc nhất là thi phẩm: “Ave Maria”, Hàn Mặc Tử đã mở đầu bằng lời chào hết sức trang trọng :

    “Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
    Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
    Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng,
    Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.”

    ( Ave Maria )

    Lại có đoạn thi nhân nhắc đến biến cố Truyền tin :

    “Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
    Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
    Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
    Người có nghe náo động cả muôn trời ?
    Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
    Để ca tụng - bằng hoa hương sáng láng .”

    ( Ave Maria )

    Thật đúng thơ anh là “thơ mầu nhiệm”.Một nhà thơ Công giáo sinh ra và lớn lên trên nền tảng giáo dục gia đình, chắc chắn là anh có một đức tin vững chắc nên Hàn Mặc Tử mới cảm nhận và tự cho rằng : “Đức tin thơm hơn ngọc”( Điềm lạ ). Và có khi anh cảm nhận một cách siêu thoát mà lại rất gần gũi, rất hiện thực như có sự hiện diện của Chúa trong không gian và thời gian hiện tại.Hạnh phúc của anh dù đạt tới đỉnh cao đến mấy anh vẫn luôn luôn thấy có sự hiện diện của Mẹ Thánh :

    “Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát
    Khiến châu thân rung động thể tơ trăng
    Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc,
    Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng.”

    ( Nguồn trăng )

    Đau khổ và hạnh phúc, cả hai chan hòa, cần và đủ, cần và đủ cho giá trị của một đời người được ơn cứu độ. Điều này Đấng Cứu thế đã trả cái giá quá đắt ( x I Cr 7,23 ). Hàn Mặc Tử cũng vậy : anh không lùi bước trước đau khổ, anh đã đi cho đến tận cùng của đau khổ để anh thỏa được với ước nguyện :

    “Ta ước ao đầu đội mão triều thiên,
    Ta tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
    Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng
    Lời vang xa truyền nhiễm đến vô song .”

    ( Ngoài vũ trụ )

    Ở thời đại nào không biết nhưng nhà thơ cứ ngỡ như có Chúa hiện diện giữa thời đại mình đang sống, và hình dung Chúa đứng giảng Phúc Âm cho dân chúng sau một ngày làm lụng vất vả. Những câu thơ đọc lên ai cũng ngỡ như có Chúa ở giữa một không gian đêm thật đẹp :

    “Cả trời bỗng diêu diêu như báu vỡ :
    Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm
    Mà ta ngỡ đấng Tiên Tri muôn thuở,
    Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.”

    ( Nguồn thơm )

    Viết là cầu nguyện, đó là cách của người yêu Chúa. Viết là tự giải thoát mình, không viết sẽ bị ức chế. Người yêu Chúa cần viết để thổ lộ tâm tình, viết để thỏa mãn phần nào tâm tư như nỗi niềm tâm sự với Chúa và chia sẻ với tha nhân. Hàn Mặc Tử, một con người đời sống gắn liền với cầu nguyện. Không gắn liền làm sao được khi chính cầu nguyện đã thấm đẫm trong thơ anh và anh đã thốt lên :

    “Ta mãi sống với muôn xuân đầm ấm,
    Trong mây kinh và trong gió nguyện cầu.”

    (Trường thọ )

    Rồi nhà thơ thể hiện bằng cách :

    “Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi,
    Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
    Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.”

    (Trăng vàng trăng ngọc )

    Thi nhân còn bộc lộ rõ hơn :

    “Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh,
    Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
    Trượng phu lời và tông đồ triết lý,
    Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh.”

    ( Ave Maria )

    Làm thơ là cầu nguyện nên anh đã trút hết cõi lòng, thổ lộ tâm tình rất thật của mình khi viết nên những câu thơ cầu nguyện :

    “Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
    Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
    Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi,
    Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
    Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng”

    ( Đêm xuân cầu nguyện )

    “Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy,
    Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế .”

    ( Ave Maria )

    “Lạy Chúa tôi! Vầng trăng cao giá lắm
    Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên
    Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm
    Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.”

    ( Vầng trăng )

    Chắc chắn một con người rất yêu Chúa. Không nghi ngờ gì nữa. Hàn Mặc Tử hoàn toàn khác với Xuân Diệu. Xuân Diệu viết: “Lòng ta rộng nhưng lượng trời cứ chật”; còn anh, dù đau khổ bệnh tật cách mấy anh cũng không nghi ngờ tình thương của Chúa :

    “Trời mở rộng và không ai hờn tủi
    Lượng bao dung tha thiết cánh tay êm”.

    ( Say thơ )

    Ai cũng lãng mạn cả nhưng cái lãng mạn của Hàn Mặc Tử là lãng mạn cho Chúa, vì Chúa , với Chúa và trong Chúa – Trái tim anh muốn thế.


    Với cái nhìn của cá nhân tôi thì Hàn Mặc Tử là một nhà thơ vĩ đại chứ không đơn giản là một nhà thơ. Anh là người thuộc thế hệ đi trước. Tôi sinh ra sau anh hơn 40 năm, anh để lại cho đời nhiều trang thơ bất hủ. Thế hệ nào cũng có thể đọc và học được ở thơ anh nhiều điều hay, điều thiện, sự rung cảm của con tim, cái tuyệt vời của nghệ thuật thơ ca và tình yêu đạt tới đỉnh cao của ơn cứu chuộc nhiệm mầu.

    Linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự - người dày công nghiên cứu, biên soạn và sưu tập nhiều bài viết về Hàn Mặc Tử cũng hoàn toàn cảm mến và ngưỡng mộ anh nên Ngài đã viết :

    “Hàn Mặc Tử, con trăng nằm yên nghỉ,
    Vầng dương lên trăng theo gió hiển linh
    Phượng Trì đài lung linh hình dáng Mẹ
    Hồn thơ say nép áo Mẹ Đồng Trinh .”



    Mến chào một cây đại thụ thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng.

    “Trăm năm còn có gì đâu,
    Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”
    Thơ anh chắp cánh Phượng Trì,
    Ngàn năm vang vọng, khắc ghi lòng người.





    JB.SĨ TRỌNG.
    __________________________________________________ ____________________________________

    Viết theo lời mời gọi của Cha Trăng Thập Tự và Đức Cha Thông Vi Vu hướng đến kỉ niệm 75 năm ngày qua đời của nhà thơ Công giáo HÀN MẶC TỬ.
    Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 16-02-2014 lúc 08:49 AM

  4. 7 thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    Duy Nguyen (08-10-2014),Honesty (18-01-2014),kiemca (20-01-2014),Mai Cồ (20-01-2014),Mai Tín (17-01-2014),Pere Joseph (24-01-2014),TerexaThuyDuong (17-01-2014)

  5. #3
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết
    Viếng mộ HÀN MẶC TỬ

    Về đây góp nhặt tin yêu,
    Về đây dệt lấy nắng chiều tương tư
    Về đây ngắm cảnh sương mù,
    Về đây nghe tiếng ngàn thu gọi thầm
    Về đây đồi núi lặng câm,
    Về đây sỏi đá biển gầm quanh năm
    Về đây trông dáng hình anh,
    Một mình nằm giữa thác gềnh chơi vơi
    Về đây nghe gió ru đời,
    Ru anh vào mộng, ru lời yêu thương
    Về đây dòng lệ vấn vương,
    Về đây nép áo Thiên đường Mẹ yêu.(*)


    (*)Trên mộ Hàn Mặc Tử có thánh tượng Đức Mẹ ban sự bình an.

    JB.Sĩ Trọng.

  6. 4 thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    Duy Nguyen (08-10-2014),Honesty (08-10-2014),nhokkute_2705 (11-10-2014),TerexaThuyDuong (07-10-2014)

+ Trả Lời Ðề Tài

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình