Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: Tình Chúa qua thơ Hàn Mặc Tử.

Threaded View

  1. #1
    Trạng thái :   JB. Sĩ Trọng đã thoát
    Tham gia : Aug 2011
    Bài gửi : 464
    Tên Thánh:
    Gioan Baotixita
    Tên thật:
    JB. Hoàng Trọng Sĩ
    Đến từ: Giáo Xứ Chánh Tòa - Xuân Lộc (Đồng Nai)
    Sở thích: đọc sách, du lịch
    Nghề nghiệp: Giáo viên
    Cảm ơn
    3,637
    Được cảm ơn 2,936 lần
    trong 480 bài viết

    Tình Chúa qua thơ Hàn Mặc Tử.

    Hàn Mặc Tử - con người của thơ và nhạc,Tiên Sinh có một cái gì đó khiến tôi rất đồng cảm. Tôi với anh, hai con người của hai thời kỳ, hai thế hệ khác nhau, quá xa trong thời gian, quá gần trong không gian và lịch sử. Thời còn PTTH tôi chỉ đọc thơ anh qua “Đây thôn Vỹ dạ” và một số bài : Say trăng, Mùa xuân chín…Lớn lên, đọc qua các tuyển tập về anh, tôi càng thích anh hơn, say đắm anh hơn. Tôi trở nên ghiền gẫm thơ anh, đọc và cứ muốn đọc đi đọc lại nhiều lần; càng đọc, thơ anh càng ngấm sâu trong tôi.


    Tôi đồng cảm với anh vì trong anh có tình yêu : Khởi đầu là tình yêu thiên nhiên vạn vật, kế đến là tình yêu con người, sau cùng là tình yêu dành cho Thiên Chúa. Anh khôn quá vì cuối đời anh chỉ có thế. Anh cảm nhận được Thiên Chúa là Cha đã tạo dựng nên tất cả để rồi tất cả phải quy phục Ngài, phải mang ơn Ngài. Các loài thụ tạo, trong đó có anh – đều mang ơn Ngài tha thiết :

    “Sách vô cùng, sáng láng cả mọi miền
    Không u ám như cõi lòng ma quỉ
    Vì có Đấng Hằng Sống, Hằng Ngự Trị
    Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh.”

    ( Ngoài vũ trụ )

    Cho dù phận người có thay đổi, đổi thay, có khổ đau, nhưng tình yêu thì thủy chung, trung thành, không suy suyễn. Trái tim yêu ngày càng mãnh liệt, diết da :

    “Em đã nghe qua, em đã hay
    Tình anh sao phải chứng mê say
    Anh điên anh nói như người dại,
    Van lạy không gian xóa những ngày.”

    ( Lưu luyến )

    Tôi đồng cảm với anh vì trong tôi cũng có tình yêu khởi đầu và cuối cùng giống anh vậy. Tôi cưu mang trong lòng tình Chúa, cũng giống như anh từng thổn thức trăn trở với những vần thơ vắt kiệt thân mình trong những tháng ngày đau bệnh :

    “Cho ta nhận lấy không đền đáp
    Ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời
    Bằng tiếng kêu gào say chếnh choáng,
    Bằng tim, bằng phổi nóng như sôi .”

    ( Sầu vạn cổ )

    Hoặc :

    “Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi
    Bao giờ tôi hết được yêu vì
    Bao giờ mặt nhật tan thành máu
    Và khối lòng tôi cứng tợ si ?”

    ( Những giọt lệ )

    Thơ ngự trị trong anh như tình Chúa ngự trong anh, thấm sâu vào máu thịt. Và thơ như là một “cái nghiệp”, anh không thể nào dứt bỏ được, không thể nào lìa xa được. Thơ đeo đẳng anh và anh cũng đeo đẳng thơ, thơ như người bạn tình tri kỷ đi suốt cuộc đời anh, chia sẻ với anh khi vui, an ủi anh khi buồn, để rồi anh uốn mình theo thơ, anh rung động vì thơ, anh no say vì thơ, anh sống chết vì thơ. Nhờ thế anh viết như một nguồn chảy láng lai, phảng phất hương thơm dịu dàng đi từ vẻ đẹp của thiên nhiên, hấp thụ bởi thiên nhiên :

    “Thơ em cũng giống lòng em vậy,
    Là nghĩa thơm tho tựa ánh trăng
    Mềm mại như lời tơ liễu rũ,
    Âm thầm trong áng gió băn khoăn.”

    ( Lưu luyến )

    Anh yêu đương vì Chúa, anh tự tình với Chúa, anh say đắm miệt mài với Ngài, để Ngài nâng hồn thơ anh lên. Thơ và Chúa – cả hai đối tượng này nặng kí, luôn sát kề anh, hòa quyện vào anh, đan bện vào nhau, quấn lấy cả con người anh, thân phận anh.
    Tôi thật sự yêu anh vì anh yêu Chúa. Trong thơ anh toát lên vẻ đẹp tôn giáo mượt mà, sâu thẳm : Anh yêu Chúa với tất cả con người anh – một tác phẩm Chúa đã tạo dựng nên để thông phần đau khổ với Ngài, nên anh không buồn cho số phận mà anh xem đau khổ là một cái thú : “thú đau thương” – anh chấp nhận số phận của mình, nhờ thế mà thơ anh rất đẹp, chắc lọc cái tinh túy đau thương của con người anh :

    “Anh cắn lời thơ để máu trào,
    Lời thơ ngậm cứng không rên rỉ
    Mà máu tim anh vọt láng lai
    Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt,
    Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi.”

    ( Lưu luyến )

    “Gío rít từng cao trăng ngã ngữa,
    Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
    Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,
    Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.”

    ( Say trăng )

    Thật ra, con người ta không dễ gì chấp nhận được đau khổ. Người ta rất dễ tuyệt vọng nếu sống không có niềm tin. Nhưng Hàn Mặc Tử, anh nhìn thấy được đau khổ là công đức, là phương thế, là điều anh cần nhận lấy, chịu đựng và biến đau khổ thành cứu cánh, không những có giá trị đời sau mà cả đời này nữa : Đời này anh để lại một thông điệp yêu thương và vác Thập giá theo Chúa đến cùng. Tin vào tình yêu bao dung độ lượng của Thiên Chúa .Sự sống là linh hồn mà Hàn Mặc Tử cảm nghiệm, anh thấy rất cần cho một thân xác, nếu thân xác không có linh hồn thì thân xác không có giá trị gì cả. Thiên Chúa tạo dựng nên con người bằng bụi đất ( hình ảnh thô sơ ban đầu Kinh Thánh Cựu ước mô tả ) Ngài thổi hơi vào miệng để ban sự sống cho con người, còn Hàn Mặc Tử thì khạc hơi ra khỏi miệng :

    “Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng,
    Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
    Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng
    Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương .”

    ( Hồn lìa khỏi xác )
    Một lối tưởng tượng hơi quá đáng như thế có mâu thuẫn chăng ? Thưa không, vì chính anh cảm nhận mối liên kết ấy – mối liên kết giữa hồn và xác. Một kiếp người rồi ai cũng trở về bụi đất, nhưng không ai biết mình sẽ ra đi vào lúc nào. Vật chất sẽ tha hóa nếu vật chất không gắn kết với con người và nếu con người không được Thiên Chúa cứu rỗi. Chính vì thế mà anh cảm hóa để nâng lên cao hơn trong sự vinh thăng thoát tục, anh tin vào trời mới đất mới làm thay đổi thế giới thực tại :

    “Mai này thiên hạ mới tinh khôi,
    Gío căng hơi và nhạc lên trời
    Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết
    Hoa lá hồ nghi sự lạ đời .”

    ( Xuân đầu tiên )

    Nói tới trời mới đất mới, ai cũng thấy như có một chút hơi hám của Khải Huyền. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử có niềm tin vào ngày quang lâm, ngày của sự phá hủy tổng thể nhưng đồng thời cũng là ngày của sự tái hợp cho từng cá thể để nguyên vẹn hình hài :

    “Cả vũ trụ theo ta ngày phán xét,
    Là khủng khiếp : cả Trời Đất tiêu diệt.”

    ( Ngoài vũ trụ )

    Và :

    “Ngày tận thế là ngày tán loạn
    Xác của hồn, hồn của xác y nguyên.”

    ( Hồn lìa khỏi xác )

    Thêm vào đó là một giấc mơ đẹp tựa thiên đường mà anh phát thảo ra trong trí tưởng tượng như một thị kiến :

    “Ôi cao sang khôn ví, trọng ai bì
    Trên nước cả có vô vàn châu báu
    Trí rất ngợp, bởi chưng xuân hồn hậu
    Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai.”

    ( Ra đời )
    Câu cuối cùng của khổ thơ trên ứng hợp với Tin Mừng của Gioan: câu3, chương 1. Anh nhìn nhận mọi sự đều do Chúa, do Ngôi Lời, không có Chúa thì vạn vật sẽ không được tạo thành.

    Tình Chúa trong thơ Hàn Mặc Tử quả là thú vị. Tình Chúa trong con – trong con người thơ nói chung và trong tôi nói riêng. Trong con người thơ : vì chính con người thơ yêu Chúa, và trong tôi : vì chính tôi cũng yêu Ngài. Tôi yêu Chúa và yêu chính cả con người thơ của Hàn Mặc Tử. Chúa chắp cánh ước mơ cho hồn thơ bay bỗng diệu kỳ.



    ( Còn tiếp )

    Các chủ đề tương tự trong chuyên mục này:

    Thay đổi nội dung bởi: JB. Sĩ Trọng, 17-01-2014 lúc 04:58 PM

  2. 11 thành viên đã cảm ơn JB. Sĩ Trọng vì bài viết này:

    An Vi (10-01-2014),Duy Nguyen (08-10-2014),Honesty (12-01-2014),Lan Anh (13-01-2014),M.Goretti Ngan (11-01-2014),Mai Cồ (20-01-2014),Pere Joseph (24-01-2014),TerexaThuyDuong (11-01-2014),Thánh Thư (11-01-2014),Trung TTN (11-01-2014)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình